Bitcoin tăng hơn 80% lên trên vùng 30.000 USD một đồng, cao hơn hẳn mức tăng của chứng khoán, vàng, dầu thô.
Sau một năm 2022 đầy sóng gió với sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX và hoạt công ty trong lĩnh vực tiền số, Bitcoin chỉ giao dịch quanh 16.600 USD một đơn vị vào đầu năm nay. Trong quý I, tiền số lớn nhất thế giới đã tăng hơn 70%, quý có lãi cao nhất kể từ quý I/2021.
Sang quý II, Bitcoin có nhiều biến động. Từ mức tăng một mạch lên trên 30.000 USD vào tháng 4 - thời điểm nhà đầu tư toàn cầu gấp rút tìm kênh trú ẩn sau vụ sụp đổ của hai ngân hàng Mỹ Silicon Valley Bank và Signature Bank. Sau đó, thị giá Bitcoin suy yếu khi Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) kiện Coinbase - sàn tiền số lớn nhất Mỹ và Binance - sàn tiền số lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, Bitcoin kịp phục hồi lên trên 31.400 USD mỗi đồng, cao nhất kể từ tháng 5/2022. Chốt lại, tiền số lớn nhất thế giới vẫn tăng 7% trong quý II. Tính chung so với đầu năm, Bitcoin tích lũy thêm 84,3% thị giá. Mức tăng trên vượt trội so với chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu, chứng khoán Nhật, vàng giao ngay...
Năm nay, bất chấp sự sụt giảm của nhiều kênh đầu tư trước các biến động vĩ mô, Bitcoin có nhiều đợt tăng giá bất ngờ, vượt ngoài dự đoán của các bên phân tích. Tiền số lớn nhất thế giới vượt 30.000 USD một đơn vị, gần như được duy trì từ suốt hai tuần qua. Cổ phiếu của các công ty có hoạt động kinh doanh và đầu tư gắn liền với tài sản kỹ thuật số cũng có thị giá tăng mạnh, nhiều mã đạt hiệu suất ba con số sau 6 tháng.
Trong đợt tăng giá mới đây, CNN lý giải việc tham gia của các đại gia tài chính là một động lực lớn. Hồi giữa tháng 6, BlackRock - gã khổng lồ trong lĩnh vực quản lý tài sản toàn cầu, đăng ký thành lập một quỹ ETF Bitcoin. Sàn giao dịch tiền số EDX Markets - được các đại gia tài chính Charles Schwab, Fidelity Digital Assets và Citadel chống lưng, cũng hoạt động từ cuối tháng trước.
Nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO) cũng là một phần nguyên nhân của các đợt tăng giá. Một số nhà đầu tư nhảy vào thị trường vì họ đang thấy những người khác gặt hái lợi ích từ đợt tăng giá đang diễn ra và muốn tham gia vào nó. Các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ dừng tăng lãi suất, giúp tiền số hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp và là kênh trú ẩn khi ngành tài chính truyền thống biến động.
Dù vậy, Bitcoin vẫn đối mặt nhiều rủi ro thời gian tới. Trước hết, giới chức Mỹ luôn giữ quan điểm muốn siết kiểm soát lĩnh vực tiền số. Theo CoinDesk, ngoài việc kiện cáo hai sàn giao dịch lớn, SEC sẽ nắm trong tay "quyền sinh sát" lớn khi là đơn vị quyết định có phê duyệt quỹ ETF Bitcoin do BlackRock đăng ký hay không, dự kiến diễn ra vào tháng 8. Các bên quan sát đinh ninh, nếu SEC từ chối hồ sơ của BlackRock, thị trường tiền số lập tức lao dốc.
Dù tăng gần gấp đôi trong nửa đầu năm, khoảng cách giữa thị giá hiện tại với đỉnh hơn 60.000 USD của Bitcoin vẫn còn rất xa. Chưa kể, thị giá tăng nhưng khối lượng giao dịch tiền số nhìn chung đang ở mức thấp. CNBC dẫn dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Kaiko cho thấy, thanh khoản của Bitcoin đã giảm 20% kể từ đầu năm nay. Còn theo trang web dữ liệu tiền số CoinGecko, khối lượng giao dịch hàng ngày của thị trường hiện ở mức khoảng 24 tỷ USD, giảm rõ rệt so với hơn 100 tỷ USD trong thời kỳ đỉnh giá hai năm trước. Các bên nhận định Bitcoin hiện rơi vào tình trạng trở thành sân chơi của các "cá voi" và hầu như không có nhà đầu tư cá nhân nào tích cực giao dịch nó.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét