Tài chính tiêu dùng, cơ hội lớn cho thị trường Việt Nam

Mua sản phẩm trả góp hằng tháng là dịch vụ tài chính phù hợp trong điều kiện lạm phát và là cơ hội cho những người có thu nhập thấp.
 
 

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, vai trò là kênh tín dụng kích thích tiêu dùng, hoạt động cho vay tiêu dùng đang trở nên rất phổ biến trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Ngành ngân hàng mạnh nhất trong lĩnh vực này hiện nay là cho vay tại điểm bán. Nghĩa là các ngân hàng liên kết với khu vực bán hàng, khách hàng muốn mua sản phẩm này được trả góp. Theo nhiều chuyên gia, tài chính tiêu dùng đang là cơ hội và có nhiều dư địa để phát triển. Đây là nội dung chính tại hội thảo do Tập đoàn Home Credit tổ chức (29-6) mới đây. 

Tín dụng tiêu dùng đang phát triển mạnh
Theo TS Đinh Thế Hiển, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Chiến lược Eximbank, vay tiêu dùng là một loại hình tài chính phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt là các quốc gia phát triển và có sự tăng trưởng mạnh tại thị trường mới nổi. Tín dụng tiêu dùng có hai loại: cho vay trực tiếp khách hàng để tiêu dùng; thứ hai là gián tiếp là tổ chức tín dụng mua các phiếu bán hàng từ những người bán lẻ hàng hóa tức là hình thức tài trợ bán hàng trả góp. Và vài năm trở lại dây, tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam bắt đầu được các ngân hàng chú ý nhiều hơn và tập trung nguồn lực mở rộng. Tỉ lệ tín dụng cá nhân/GDP có xu thế tăng mạnh mẽ từ mức 70% trong năm 2006 lên gần 120% trong năm 2011.


Điều đó cho thấy ở Việt Nam dịch vụ tài chính này ngày càng phát triển do nhu cầu chi tiêu người dân ngày càng cao và những tiện ích mà dịch vụ mang lại. “Đây là giải pháp giúp người tiêu dùng mua được hàng hóa cần thiết khi chưa đủ tiền với thủ tục nhanh chóng và đơn giản” - ông Hiển nói.
Tại thị trường Việt Nam đầu năm 2009, các khu vực TP.HCM, Nha Trang, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đến các khu vực miền Bắc, dịch vụ cho vay tiêu dùng tại điểm bán phát triển rất mạnh. Đặc biệt đi đầu là thị trường tài chính xe máy với 65% thị phần. Đi đầu cho dịch vụ tài chính này là Home Credit. Tính đến nay Home Credit có mặt ở 58 tỉnh, thành trên cả nước với 2.891 địa điểm bán. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay nhưng số hợp đồng mới tính trong tháng 5-2013 tăng 35% so với tháng trước và tăng 3% so với kế hoạch đề ra trong quý II.
Ông Fridrich Weiss, Tổng Giám đốc Home Credit, cho rằng đây là dịch vụ cung cấp giải pháp tài chính thay thế và thích hợp cho người dân có thu nhập thấp. “Chúng tôi nghiên cứu Việt Nam là nước có dân số trẻ, trong đó khoảng 20% các bạn trẻ chưa có thu nhập và khả năng mua sắm cao, nên đây sẽ là những khách hàng tiềm năng cho năm sau và năm kế tiếp. Và dư địa cho thị trường này còn rất lớn” - ông nói.
Để phát triển mạnh hơn nữa dịch vụ này, bà Nguyễn Thu Hà, nguyên Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, cho rằng các ngân hàng cần đưa ra những sản phẩm đa dạng, tiện ích, đơn giản và dễ hiểu. Hơn nữa phải niêm yết công khai mức lãi suất linh hoạt, hợp lý, rõ ràng và tạo điều kiện cho khách hàng ra quyết định sử dụng sản phẩm. “Riêng khách hàng cần tăng cường nhận thức về lợi ích cho vay tiêu dùng, trau dồi kiến thức về pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Bên cạnh đó thường xuyên liên hệ với cán bộ tín dụng để có những tư vấn tốt nhất và hơn hết, khách hàng cần tăng cường trách nhiệm sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn” - bà Hà nói.

Tín dụng tiêu dùng sẽ tăng bình quân 20% mỗi năm
Có nhiều nguyên ngân khiến nhiều ngân hàng chuyển sang dịch vụ tín dụng tiêu dùng, theo TS Đinh Thế Hiển, thứ nhất, kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá tốt trong 20 năm qua đã làm xuất hiện tầng lớp trung lưu đông đảo khiến các nhu cầu về tiêu dùng thông qua hệ thống ngân hàng ngày càng tăng. Dân số trẻ cũng kích thích nhu cầu thanh toán qua thẻ mua hàng hay trả góp… Thứ hai, kinh tế thế giới và Việt Nam mấy năm nay gặp khó nên ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp khiến nhu cầu vay vốn của đối tượng này giảm. Ngoài ra nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ khiến khoản tín dụng cho đối tượng này ngày càng rủi ro nên các ngân hàng có chủ trương quản lý chặt các khoản vay cho doanh nghiệp. Thứ ba, việc các ngân hàng nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam hầu hết tập trung mạnh cho các phân khúc tiêu dùng và đang cho thấy sự an toàn và hiệu quả. Do đó, nhiều ngân hàng nội đang chuyển hướng sang phân khúc này. “Bằng chứng thể hiện các số liệu về thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng. Đến cuối tháng 9-2012, thị trường thẻ ngân hàng Việt Nam đã tăng 1.600% về số lượng và tăng về 270% về giá trị giao dịch thẻ và tăng 600% về số lượng giao dịch thẻ so với cuối năm 2006” - ông Hiển phân tích.
Và theo ông Hiển, tín dụng tiêu dùng của Việt Nam còn nhiều tiềm năng. Vì tại các nước phát triển tín dụng tiêu dùng tại các ngân hàng chiếm từ 17% đến 18% GDP trong khi Việt Nam chỉ khoảng 5%-6% mà thôi. “Dự đoán trong vòng năm năm nữa, cùng với sự phục hồi kinh tế, tiêu dùng Việt Nam có thể đạt tới 10% GDP, tức là tăng bình quân mỗi năm 20% và trở thành một lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế” - ông Hiển nhận định.